“Kỳ lạ thật, con mình mới hôm kia thôi còn đòi mua cuốn sách này bằng được, nói là con thích lắm, mẹ mua cho con đi. Thế mà hôm nay, con đã để cuốn sách chỏng chơ một góc rồi. Cuốn sách rõ đẹp, bìa cứng, màu sắc, hình ảnh sống động, hấp dẫn thế cơ mà. Đã thế, nội dung lại là về các loài chó, là chủ đề mà lâu nay con vẫn thích.”
Khi mua sách cho con, mẹ đã rất cẩn thận hỏi ý con, dẫn con tới hiệu sách, cho con chọn thật kỹ càng. Nhưng không hiểu sao, con đọc được có 2-3 lần là chán. Cả mấy cuốn lần trước mua cũng thế, mở ra mở vào đôi ba lần, xong lại quên luôn.
Còn con mình thì lúc nào cũng nói “con thích chơi Lego”, nhưng ngồi được có 10 phút là lại đứng dậy, chưa ghép được hình gì cả, ngồi ít thế thì làm sao ghép được hình gì cơ chứ? Môn ghép hình này đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó ngồi ghép thì mới mầy mò ra hình này hình kia, hoặc là xem hướng dẫn lắp ghép và lắp theo.
Kiên trì nhất định thành công. Cha mẹ nào cũng hiểu điều này và mong muốn con mình rèn luyện được tính kiên trì. Có điều, nhiều cha mẹ thấy con mình chán rất nhanh. Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều tình huống cha mẹ nhận thấy ở con mình và cảm giác thất vọng, lo âu xen lẫn buồn rầu thường xuất hiện ở cha mẹ lúc này.
Với đa số trẻ ở tuổi mầm non, các con sẽ có hứng thú với tranh ảnh, màu sắc, các câu chuyện, các trò chơi, vì tuổi này, các con có nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh. Các cuốn truyện, các trò chơi đều mang lại cho con ít nhiều những khám phá mới, những trải nghiệm mới đầy thú vị. Có điều, với các con ở tuổi này, khả năng tập trung và duy trì chú ý còn thấp cộng thêm những khó khăn riêng biệt của từng bạn. Khả năng tập trung liên tục của trẻ ở tuổi mầm non ở khoảng 10-15 phút trở xuống (*). Quá thời gian này, con sẽ chán và có nhu cầu đổi hoạt động mới. Đặc biệt hơn có bạn có khu vực cơ trung tâm (core muscles) là cơ lườn và bụng còn yếu nên ngồi 5 phút là mỏi, và mỏi thì sẽ nhanh chán hơn, dù đó là đọc sách, hay ngồi chơi đồ chơi. Có bạn, kỹ năng thao tác với đôi bàn tay còn kém, các ngón tay còn thiếu lực và thiếu độ khéo léo nên chơi đất nặn, chơi ghép hình Lego sẽ khó khăn và nhanh chán. Có bạn, kỹ năng giao tiếp còn kém nên khi chơi, khi đọc, có những chỗ khó hiểu, khó làm thì không biết đặt câu hỏi và kêu gọi sự trợ giúp nên cũng nhanh bế tắc.
Mỗi khi con gặp bế tắc, hoặc chán nản, con sẽ cảm thấy đồ chơi, hoặc hoạt động đó kém thú vị. Nếu như cha mẹ hiểu được cảm giác này của con, và hỗ trợ con kịp thời bằng các cách như:
1. Đổi hoạt động khác: đọc sách 10-15 phút rồi chuyển qua chơi ghép hình 10-15 phút, rồi lại chuyển qua chơi với bóng 10-15 phút.
2. Xen kẽ hoạt động thư giãn-giải trí với hoạt động chính: chơi ghép hình 10-15 phút; rồi đứng dậy đi dạo quanh nhà 10 phút; rồi đọc sách 10-15 phút; rồi ngắm bể cá 5-7 phút.
3. Lắng nghe các cảm xúc của con, khơi gợi để con nói ra khó khăn của mình:
- “Miếng ghép Lego có vẻ làm con hơi đau tay nhỉ?”
- “Cuốn sách về chó này đã làm con cười 2 lần, trong khi cuốn về mèo hôm trước đã làm con cười 5 lần.”
4. Động viên khen ngợi hợp lý:
- “Để mẹ xem nào, tuần này con đã đọc được tổng cộng 5 cuốn sách rồi, trong đó mỗi cuốn con đọc đi đọc lại những 2 lần. Mẹ thấy con đã rất vui mỗi lần đọc sách.”
- “Bố thấy con đã tháo những miếng ghép Lego ra dễ dàng hơn đấy, hẳn là con đã rất kiên trì chơi trò này!”
- “Bố nghĩ là con rất thích chơi đất nặn, nhưng vì con đã ngồi chơi 10 phút rồi, cái lưng của con đã mỏi, cần cho nó nghỉ một chút đã rồi con chơi tiếp sau nhé.”
Những cách xử lý thường thấy ở cha mẹ như: chán nản, mắng nhiếc con, phạt con không cho chơi nữa.. đều làm con có cảm giác không được hiểu, không được thông cảm và làm cho con càng khép kín hơn, xa cách hơn.
Nhu cầu của trẻ là khám phá, là học hỏi, là tìm tòi để thêm hiểu biết. Nếu như con đang không khám phá, tìm tòi, tức là con đang gặp khó khăn gì đó, cha mẹ hãy giúp con.
Yêu con, quan tâm tới con không nhất thiết cứ phải thể hiện bằng việc mua những món đồ chơi đắt tiền. Yêu và quan tâm thể hiện bằng những quan sát tinh tế, bằng sự lắng nghe những cảm xúc của con về những khó khăn con gặp phải thì con sẽ dễ cảm nhận hơn rất nhiều.
Chúc các cha mẹ “ghi nhiều điểm” với con.
Xem thêm:
- Cách dạy tiếng Anh cho bé 3 tuổi chuẩn quốc tế - Apollo English